Cải cách thể chế là yêu cầu quan trọng để “tự lực tự cường”

Ngày 18/9, học giả Trương Nhân Tuấn, viết trên Facebook cá nhân Nhân Tuấn Trương, rằng “Phải cải cách thể chế, “nhứt thể hóa” chế độ”.

Tác giả bình luận, chưa hết năm mà đã xảy ra 3 kỳ Hội nghị Trung ương 8, 9 và 10. Trung ương càng họp nhiều, thì càng cho thấy, nội bộ Đảng có xào xáo. Vì đâu? Vì tranh chấp phe phái?

Tác giả chỉ ra rằng, phe phái trong Đảng đã được phân chia từ lâu. Phe Bắc, phe Trung, phe Nam, phe công an và phe quân đội. Hiện tại, 2 phe: phe công an và phe “vừa Hưng vừa Yên” đang chinh phục quyền lực.

Tác giả cho rằng, từ nay, phải phân biệt 4 “khuynh hướng” phát sinh trong Đảng. Thứ nhứt là khuynh hướng theo Trung Quốc, tức rập khuôn mô hình phát triển “kinh tế thị trường định hướng Xã hội Chủ nghĩa”, và củng cố “tư bản nhà nước”.

Thứ hai là khuynh hướng “độc lập”, kiểu phát triển Việt Nam sao cho mục tiêu “tự lực tự cường” sớm thành công.

Thứ ba là khuynh hướng “bảo thủ”. Phe này hầu như cũng là phe rập khuôn mô hình Trung Quốc.

Thứ tư là phe chủ trương “cải tổ thể chế”, có xu hướng “thân Mỹ”.

Tác giả nhận định, sắp tới, Việt Nam sẽ có nhiều chuyển đổi từ trong nội bộ Đảng. Tương lai chính trị của Việt Nam sẽ tùy thuộc vào những chuyển đổi này.

Tác giả phân tích, có thể cho rằng, phe “bảo thủ”, tức phe chủ trương “vũ như cẩn”, đề cao mô hình “Tứ trụ”, hiện đang áp đảo, nếu chỉ theo dõi truyền thông, trong cũng như ngoài nước.

Hệ quả của mô hình Tứ trụ cho đất nước và nhân dân Việt Nam, là tham nhũng, hối mại quyền, thế đã trở thành “lối sống”. Cuộc “đốt lò” sau đại dịch Covid-19, cho thấy, cả một bộ máy nhà nước là một tổ chức tội phạm. Chưa bao giờ trên thế giới này, ở một đất nước, mà từ Chủ tịch nước, cho tới hàng loạt bộ trưởng, đều là tội phạm không thể dung thứ: ăn trên xác chết, trên nước mắt, trên nỗi sợ hãi và khổ đau của nhân dân.

Tác giả nhấn mạnh, mô hình này phải dứt khoát dẹp bỏ.

Tuy nhiên, theo tác giả, mô hình Tứ trụ vẫn được nhiều sự ủng hộ, là vì, đây là phương pháp phân chia “miếng bánh Việt Nam”.

Người ta lo sợ “nhứt thể hóa”, là vì một phe lên sẽ ăn hết phần của các phe còn lại.

Điều cần nhấn mạnh là, Trung Quốc nhiệt tình ủng hộ mô hình “Tứ trụ”, cũng là mô hình rập khuôn Trung Quốc.

Tác giả đặt vấn đề, vì sao Trung Quốc ủng hộ? Là vì, chỉ có mô hình này, Việt Nam mới lệ thuộc vào Trung Quốc mà thôi. Ngoài ra, trong 20 năm áp dụng mô hình này, sự phát triển của Việt Nam vô cùng bệnh hoạn. Tất cả đều của nước ngoài. Nội lực Việt Nam không có gì hết cả.

Tác giả cho biết, ông ủng hộ phe cải cách. Mô hình “nhứt trụ” là mô hình phổ cập, “Tứ trụ” là ngoại lệ.

Tác giả lí giải, không có quốc gia nào lại có tới hai hệ thống quyền lực hiện hữu song song, “Đảng – Nhà nước”, như Việt Nam. Không có ngân sách nào có thể trả lương đồng loạt cho 2 ông đầu tỉnh, kiểu tỉnh ủy và chủ tịch ủy ban nhân dân. Cấp bộ trưởng thì có bộ trưởng và đảng ủy của bộ. Đã có Chủ tịch nước đứng đầu quốc gia, lại còn có Tổng Bí thư quyền hạn đứng trên Chủ tịch nước. Trên thế giới này, có đảng nào đứng trên quốc gia? Không có nước nào hết cả.

Vì vậy, tác giả kết luận, phải cải cách thể chế, phải “nhứt thể hóa” chế độ. Phải gộp lại hai bên. Bộ Chính trị “hòa tan” với Chính phủ. Ban Chấp hành Trung ương “hòa tan” với Quốc hội. Các cấp ủy “hòa tan” vào uỷ ban nhân dân…

Tác giả cho rằng, làm được vậy, ngân sách được “nhẹ” bớt một nửa. Với ngân sách dành cho Đảng, có thể tái tổ chức quốc phòng hiện đại và chấn hưng nền giáo dục khai phóng. Có như vậy, mới hy vọng Việt Nam sẽ có ngày “tự lực tự cường”.

Thế giới bây giờ không còn vụ “trật tự quốc tế dựa trên luật lệ” nữa, mà là một thế giới “mạnh được yếu thua”.

 

Thu Phương – thoibao.de