Vấn nạn “tiếp khách” từ trên về tham quan, vẫn là câu chuyện dở khóc, dở cười

Ngày 19/8, RFA Tiếng Việt đăng bài bình luận của blogger Nguyễn Chơn: “Tiếp cũng chết, không tiếp cũng chết”.

Tác giả cho biết, các cá nhân hay doanh nghiệp được chọn làm điển hình, lên tivi báo đài rạng danh, được vô hội nọ hội kia của tỉnh, thành, bắt tay chụp hình với bí thư, chủ tịch. Đi họp với các cấp các ngành, thì họ được hỏi ý kiến về chủ trương chính sách trong ngành của địa phương, được tặng bằng khen về treo lên tường… Những điều đó cũng làm cho họ thấy vinh dự, là những tưởng thưởng tinh thần có tác dụng khích lệ rất nhiều.

Thế nhưng, nếu nổi tiếng quá, rồi được địa phương chọn để làm điểm sáng, các đoàn của Trung ương, các ban ngành, các địa phương khác, náo nức đến tham quan học tập, thì chỉ có chết.

Theo tác giả, quy định của Bộ Tài chính cho phép địa phương được trích từ ngân sách và các khoản thu khác, như kêu gọi tài trợ, vận động doanh nghiệp…, để chi tiếp khách, hội thảo, hội nghị, theo các mức A, B, C. Tiền ăn, tiền ở, số bữa ăn, ở… đều được quy định cụ thể, quy định cả việc không được tiếp khách bằng rượu bia ngoại. Nhưng thực tế, mức chi theo quy định khó có thể làm hài lòng các vị khách “quý”.

Nhất là các đoàn lớn, quan trọng từ Trung ương, có các vị lãnh đạo to hay nắm giữ những quyền lực lớn. Địa phương sẽ phải tiếp đón cực kì hoành tráng. Ngoài nội dung tham quan mô hình điểm, thì chương trình phải có những điểm nhấn là những buổi giải trí thượng hạng. Điều đó đã trở thành một thứ luật bất thành văn.

Tác giả nhận xét, đón đoàn khách cấp trên về tham quan và học tập kinh nghiệm, là vinh dự vô biên của địa phương. Chưa kể, những cán bộ giỏi tính toán còn mừng rỡ chụp lấy các cơ hội này làm quen, để đặt quan hệ và mở rộng quyền lực.

Cho nên, không có vị lãnh đạo địa phương nào dám rén tay, hay răm rắp tuân theo quy định, trong các cuộc tiếp khách, chiêu đãi khách từ các cấp đến tham quan.

Hoặc ngược lại, chiêu đãi phải thật riêng biệt, đắt tiền, và các cô gái tiếp khách phải là những người đẹp có danh hiệu trong các cuộc thi nhan sắc, hoặc có tiếng trong giới showbiz.

Trong khi đó, tác giả cũng cho biết, ngân sách địa phương không thể cân đối, hay hợp thức hóa các bữa tiệc tùng liên tiếp, các khoản chi cho rượu Tây đắt tiền, thức ăn đặc sản, hay chi phí dẫn cả đoàn khách đi chơi, ăn nhậu. Cho dù dùng các thủ thuật kế toán để hợp thức hóa các khoản chi, thì vẫn phải trả cho các nhà hàng bằng tiền thật, cho nên, nếu không thể sẵn tiền bù chi, thì chỉ còn hai cách: Một là ký nợ nhà hàng, rồi xoay sở kiếm tiền trả sau. Hai là tìm các nguồn tiền khác để trả.

Tác giả tiếp tục cho biết, theo quy định thì địa phương được kêu gọi doanh nghiệp hỗ trợ, tài trợ chi phí tiếp khách. Nên thường lãnh đạo địa phương sẽ vỗ vai, hoặc “nhờ”, các doanh nghiệp có máu mặt trong địa bàn đứng ra trả giùm. Hầu như không doanh nghiệp nào dám từ chối các lời ngỏ này, vì họ cần cộng sinh với chính quyền địa phương, thậm chí có doanh nghiệp chỉ mong được “các anh” gọi đến trả tiền.

Dĩ nhiên, doanh nghiệp không thiệt, đổi lại, họ được lãnh đạo địa phương dễ dãi hơn khi duyệt dự án, hoặc chọn nhà thầu cho các dự án, được “mách trước” các kế hoạch phát triển cần giải tỏa đất đai, được ưu tiên vay vốn…

Tuy nhiên, tác giả nhận định, nếu không tìm ra doanh nghiệp nào trả tiền giùm, thì chỉ còn cách trên ép xuống dưới, “ba bộ đồng tình” vẽ ra các dự án, công trình xây dựng, sửa chữa bằng ngân sách nhà nước để lấy tiền từ đó.

Nên mới có vụ các cựu chủ tịch, phó chủ tịch và lãnh đạo huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, lãnh án tù vào tháng 7 vừa rồi, vì tội “lỡ tiếp khách nhiều”“lỡ đi thăm hỏi chúc tết một số cơ quan, cá nhân”, tác giả nêu dẫn chứng.

Theo tác giả, báo chí Việt Nam đưa tin các vụ chính quyền địa phương tiếp khách đến nợ như Chúa Chổm rất hăng hái, nhưng nói thẳng ra vì đâu đẻ ra khổ nạn ấy thì mặc nhiên chưa thấy ai.

 

Xuân Hưng – thoibao.de