Tổng Bí thư Tô Lâm gia tăng củng cố thế lực: Vì sao phe Nghệ Tĩnh phải đề phòng?

Tại cuộc họp báo chiều 3/8, ngay sau khi được “suy tôn” làm Tổng Bí thư, ông Tô Lâm đã cam kết tiếp tục cuộc chiến chống tham nhũng của Tổng Trọng.

Cũng trong buổi chiều này, dưới sự chỉ đạo của tân Tổng Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đã thống nhất, đồng ý cho Phó Thủ tướng Lê Minh Khái và 3 ủy viên Trung ương Đảng khác thôi chức, với lý do vi phạm những điều cấm mà đảng viên không được làm. Trước đó, 4 nhân sự này đã có đơn xin nghỉ.

Việc có đến 4 ủy viên Trung ương Đảng, gồm 1 Phó Thủ tướng, 1 Bộ trưởng và 2 Bí thư Tỉnh ủy, bị cho thôi chức ngay trong ngày Tô Tổng nhậm chức, là dấu hiệu cho thấy, công cuộc chống tham nhũng của tân Tổng Bí thư sẽ không ngừng nghỉ. Đồng thời, đây cũng là một thông điệp mang tính răn đe, nhằm củng cố quyền lực của Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Tô Lâm.

Giới phân tích đánh giá, bằng hành động “cắt tiết gà để dọa khỉ”, ông Tô Lâm đã đạt được nhiều mục tiêu. Đó có thể là lời răn đe đối với những lãnh đạo trong Đảng, rằng, kể từ đây cho đến hết Đại hội 13, mọi quyền sinh sát trong nội bộ Đảng đều nằm trong tay tân Tổng Bí thư, kể cả việc sắp xếp, bố trí lại nhân sự.

Nguồn tin nội bộ của thoibao.de tiết lộ, ông Tô Lâm sẽ dùng chính sách “cây gậy”, mà không cần sử dụng củ cà rốt. Bất kỳ lãnh đạo ở cấp nào, chỉ cần có biểu hiện không đồng tình, hay chống đối Tổng Bí thư và phe cánh, sẽ lập tức bị bắt giam, khởi tố, không thương tiếc.

Điều này khiến cho giới lãnh đạo Đảng, nhất là các ủy viên Trung ương, phải khiếp sợ. Kể từ sau khi ông Tô Lâm nhậm chức Tổng Bí thư, các thế lực của Thủ tướng Phạm Minh Chính, Đại tướng Lương Cường, Phan Đình Trạc và phe cánh Nghệ Tĩnh… đều tỏ rõ sự “ngoan hiền”.

Đây là thành công bước đầu của tân Tổng Bí thư, nhưng quan trọng hơn, nó đã tạo ra một nỗi khiếp sợ “thường trực”, bao trùm trong nội bộ lãnh đạo cấp cao. Điều đó đồng nghĩa với việc, nguyên tắc tập trung dân chủ, cũng như “lãnh đạo tập thể, cá nhân phụ trách” mà Đảng duy trì hàng chục năm nay, đã bị ông Tô Lâm chính thức xóa sổ.

Tuy nhiên, với sự khôn khéo và nhiều mưu mẹo, cộng với sự lọc lõi của một trùm an ninh, Tổng Bí thư Tô Lâm đã tạo ra tính chính danh cho ông ta và phe cánh. Theo đó, nhìn từ bên ngoài, dư luận cảm thấy rằng, ông đang kế thừa công cuộc “đốt lò”, vốn là di sản của Tổng Trọng. Từ đó, ông Tô Lâm có thể tiếp tục duy trì cuộc chiến thanh lọc các đối thủ bên trong Đảng, mà không cần e ngại. Trên cơ sở hồ sơ đã chuẩn bị sẵn, vấn đề là, Tô Tổng muốn đá ai, để giành ghế chia chác cho đàn em đệ tử.

Các thủ đoạn như vừa kể của Tô Lâm, khó có thể qua mắt được số đông người dân Việt Nam, vì Việt Nam là quốc gia có số người sử dụng internet thuộc hàng hàng đầu thế giới.

Dù tân Tổng Bí thư tuyên bố chống tham nhũng “không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, công luận vẫn nghi ngờ, và cho rằng, thực chất việc chống tham nhũng cũng chỉ là vũ khí, để Tô Lâm loại bỏ những người không theo ý mình.

Với quyền lực tuyệt đối, ông Tô Lâm có thể được so sánh với Chủ tịch Tập Cận Bình của Trung Quốc. Với mục đích đưa Việt Nam sang một trang sử mới, tân Tổng Bí thư có thể sẽ đưa ra những quyết định thay đổi, kể cả loại bỏ các chính sách do Tổng Trọng để lại.

Một câu hỏi đặt ra là, Tô Tổng có áp dụng mô hình kiểu nước Nga của Tổng thống Putin, hay vẫn áp dụng kiểu Trung Quốc của ông Tập Cận Bình?

Thoibao.de sẽ chuyển đến quý vị câu trả lời trong bài bình luận sắp tới.

 

Trà My – Thoibao.de