Vì sao, ngày đầu ngồi vào ghế Tổng Chủ, Tô Đại trảm liền 4 tướng?

Chỉ trong vòng 73 ngày, ông Tô Lâm từ Bộ trưởng Bộ Công an trở thành Chủ tịch nước – một trong 4 vị trí nắm quyền lực cao nhất trong Đảng.

Sau khi Tổng Trọng qua đời, tại Hội nghị Trung ương “bất thường” sáng 3/8, Tô Lâm tiếp tục được “suy tôn”, làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, trong thời gian còn lại của Đại hội khóa 13.

Ngay sau đó, chiều 3/8, dưới sự điều hành của tân Tổng Bí thư Tô Lâm, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã xem xét đơn xin thôi giữ các chức vụ, của 4 lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương.

Trên cơ sở các báo cáo của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Tổ chức Trung ương, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã quyết định cho ông Lê Minh Khái – Phó Thủ tướng, Bí thư Trung ương Đảng, Ủy viên Trung ương Đảng khóa 13 thôi giữ các chức vụ. Đồng thời, cũng đồng ý để các ông Đặng Quốc Khánh – Bộ trưởng Tài nguyên Môi trường, ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư Tỉnh uỷ Quảng Ninh, ông Chẩu Văn Lâm – Bí thư Tỉnh uỷ Tuyên Quang, thôi giữ chức uỷ viên Trung ương Đảng khóa 13. Theo thông cáo của Đảng, nhận thức rõ trách nhiệm trước Đảng và nhân dân, 4 lãnh đạo kể trên đã có đơn xin thôi giữ các chức vụ được phân công.

Đây là một sự kiện gây chấn động dư luận, trên mạng xã hội, nhiều ý kiến cho rằng, tân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã “giết gà để dọa khỉ”, để phát đi một thông điệp rằng, công cuộc “đốt lò” vẫn sẽ tiếp tục.

Khác với đánh giá lạc quan của giới phân tích quốc tế, cho rằng, một khi Tô Lâm nắm quyền lực tuyệt đối trong Đảng, thì cuộc chiến giữa các lãnh đạo cấp cao sẽ giảm bớt, đồng thời nội bộ Đảng sẽ đi vào ổn định. Theo giới thạo tin, việc xử lý 4 nhân vật lãnh đạo kể trên, nhằm mục đích “dằn mặt” các thế lực đứng sau chống lưng cho họ.

Trong lần bỏ phiếu tín nhiệm gần đây nhất, vào ngày 7/12/2023, tại kỳ họp lần thứ 16, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Ninh, Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Xuân Ký, và Phó Bí thư Tỉnh ủy kiêm Chủ tịch tỉnh Cao Tường Huy, cùng đạt số phiếu tín nhiệm 100%.

Điều đáng nói là, Thiếu tướng Đinh Văn Nơi, khi đó là Giám đốc Công an Quảng Ninh, có số phiếu tín nhiệm cao, thấp nhất, chỉ có 8/61 phiếu, là một trong 3 lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh nhận số phiếu cao, thấp nhất.

Ông Nơi trước đây là Giám đốc Công an tỉnh An Giang, được Bộ trưởng Tô Lâm tin tưởng, đưa về làm Giám đốc Công an tỉnh Quảng Ninh, và được phong hàm Thiếu tướng. Tại Quảng Ninh, Thiếu tướng Nơi chỉ đạo điều tra nhiều vụ vụ án nghiêm trọng, liên quan đến tham nhũng.

Phát biểu khi công bố kết quả bỏ phiếu, Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Xuân Ký khi đó đã hùng hồn đánh giá, việc lấy phiếu tín nhiệm là phương thức giám sát quan trọng, giúp cán bộ tự soi, tự sửa, để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện trong công tác. Trớ trêu thay, ngày 3/8, Hội nghị Trung ương bất thường đã quyết định cho Bí thư Tỉnh ủy Ký thôi chức, để về vườn đuổi gà cho vợ.

Ngay khi lên cương vị Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã trảm liền 4 tướng. Điều này cho thấy, ông muốn gửi đi một thông điệp, một sự uy hiếp, đến các thế lực thù địch trong Đảng, đã cáo buộc mình là “không đủ tư cách, đạo đức, cũng như phẩm chất để trở thành người đứng đầu Đảng Cộng sản Việt Nam”.

Điều kể trên cũng cho thấy, công cuộc chống tham nhũng của Tổng Trọng đã thất bại hoàn toàn. Chỉ trong hơn 3 năm đầu của Đại hội Đảng khóa 13, đã có tới 26 uỷ viên Trung ương phải thôi chức và bị xử lý hình sự, trong đó có 7 uỷ viên Bộ Chính trị là nhân vật cấp cao, thậm chí cả trong “Tứ trụ”, hay Thường trực Ban Bí thư.

Trong một môi trường chính trị thiếu tính minh bạch, các quy định của Đảng, cũng như Hiến pháp, pháp luật, không còn được tôn trọng như hiện nay, thì Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng chẳng phải là trường hợp ngoại lệ.

 

Trà My – Thoibao.de